Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

[Xã hội-CAND Portal] - Tháng tư, về lại Thành cổ Quảng Trị

Những ngày tháng tư lịch sử, xứ sở gió Lào cát trắng Quảng Trị nắng như đổ lửa. Nhưng nắng, gió không ngăn được bước chân về lại chiến trường xưa của những người cựu chiến binh từng một thời vào sinh ra tử trên chiến trường Thành cổ!

Giữa đoàn người đông đúc vào thăm Thành cổ, tôi nhận ra Thiếu tướng Cao Xuân Khua, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, đơn vị trinh sát đầu tiên trực thuộc Tỉnh đội Quảng Trị. Năm nào ông cũng về đây để thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội mình. Sau phút vái vọng hương hồn đồng đội ở Đài tưởng niệm Thành cổ, ông lặng lẽ ra bến sông Thạch Hãn, nhìn dòng nước trôi về phía hạ nguồn. “Mùa mưa cách đây 42 năm khó mà hình dung được. Sóng ở đáy sông ùng ục húc vào bờ, bom cày đạn xới làm dòng nước đục ngầu. Đêm, những người lính vượt sông trong ràn rạt đạn địch, có người tuột mất phao bơi, đến bờ bên kia đội hình vơi mất một nửa…”, ông trầm ngâm nhớ lại. Năm ấy, người chiến sĩ Cao Xuân Khua đã cùng với đồng đội của mình đánh giáp lá cà quân địch hàng trăm trận với lực lượng của chúng đông gấp hàng chục lần. Ông nói: “Chiến tranh lửa đạn, cái chết cận kề nhưng người lính Thành cổ ngày ấy không hề bi lụy”.

Cũng như chiến sĩ Cao Xuân Khua, hàng nghìn người lính đánh địch, bảo vệ Thành cổ năm ấy xúc động chứng kiến lời thề của C trưởng C3 Nguyễn Văn Dụ trong giờ phút quyết tử ở chốt ngã ba Long Hưng, lũy thép Tây Nam Thành cổ vào một ngày trung tuần tháng 6/1972. "Còn Đại đội 3, còn ngã tư đường nhựa"!. Hào khí đánh địch, với lòng quả cảm sục sôi trong huyết quản của từng chiến sĩ giữ thành, với lời thề quyết tử: "Còn người, còn trận địa". Hồi ấy, mỗi ngày Tiểu đoàn 8 của ông Khua và các đơn vị bạn hàng ngày phải đánh trả gần 50 đợt tập kích của địch bằng bộ binh, pháo binh, máy bay B52 hòng tái chiếm Thành cổ. Có lúc họ phải nhảy ra khỏi chiến hào dùng thủ pháo lựu đạn và cả báng súng lưỡi lê hất địch xuống bờ thành, có lúc đánh thọc sườn trong thế cài răng lược, có lúc bắn tỉa, lúc tập trung hỏa lực giữ từng tấc đất, ngọn cỏ…


Thế hệ trẻ Công an dâng hương, hoa tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ ở Thành cổ Quảng Trị.

Trong miên man màu trắng hoa lau, dưới nền trời đêm tĩnh lặng, hàng trăm con người ngồi bên nhau trên vạt cỏ đẫm sương đêm. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi thắp nén nhang, dâng món đặc sản quê nhà gửi từ đất mẹ đến các anh. Cụ Lưu (82 tuổi, ở phố Kim Ngưu, Hà Nội) rưng rưng nước mắt: "Cháu nhà tôi năm đó 19 tuổi, đang theo học đại học ở Hà Nội thì tình nguyện nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Ngày đi nó chỉ kịp để lại lá thư ở ga Hàng Cỏ, sau đó bà con đưa về giúp. 42 năm nay, mỗi tháng Tư về, vợ chồng tôi chỉ biết thắp nén nhang bái vọng trời Nam. Đến hôm nay mới có điều kiện về nơi con nằm lại…". Thành cổ hôm nay màu xanh cỏ cây đã liền miệng hố bom.

Trên màu xanh ngút ngàn của cỏ cây là một tượng đài sừng sững. Tượng đài, biểu tượng nấm mồ chung của hơn 10.000 Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống vì sứ mệnh thiêng liêng của Tổ quốc. Ở đó không có hận thù, chỉ có khát vọng hòa bình được viết lên trời xanh bằng một tháp bút hình ngọn lửa thể hiện một nét hào hoa rất riêng trong ngút ngàn khốc liệt bi tráng của một thời chiến tranh trận mạc. Bên dưới nấm mồ là hành trang đơn sơ của người lính với chiếc bi đông, mũ tai bèo, dép cao su, ba lô bạc sờn... Đơn sơ như lời một nhà văn từng viết: "Những người lính hy sinh nơi đây không phải để được phong anh hùng và hoa tươi dâng trước mộ. Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên sự ấm no, công bằng và nhân phẩm"


0 nhận xét:

Đăng nhận xét