Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

[Sức khỏe -Lao Động] - Bản vùng cao 16 năm liên tục không có người sinh con thứ 3

Nhắc đến các vùng miền núi, người ta sẽ hình dung ngay đến sự nghèo đói, hiu hắt giữa các mái nhà, những bà mẹ trẻ lắm con và những đứa trẻ nheo nhóc… Thế nhưng, có một bản làng nằm trong huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) lại hoàn toàn khác xa những hình dung đó. Bản làng Bãi Gạo, xã Châu Khê nổi tiếng vì 16 năm liên tục không có người sinh con thứ 3, kinh tế của bản rất khá bởi người dân đua nhau làm ăn.


Những ngôi nhà ở bản Bãi Gạo đều rất khang trang, sạch sẽ. Bản Bãi Gạo nằm ven bờ sông Lam, cách quốc lộ 7A khoảng 3 – 4km. Về thăm Bãi Gạo vào ngày trời mưa, tôi ngạc nhiên bởi vẻ trù phú của một bản làng vùng miền núi. Con đường dẫn vào khu vực sinh sống của người dân đã được bê tông hóa, những ngôi nhà sàn được cách điệu, nằm gọn ghẽ ngay hàng thẳng lối sau lũy tre làng. Là một bản vùng cao, nhưng Bãi Gạo là thôn bản đầu tiên của huyện Con Cuông sớm từ bỏ việc phát rừng làm nương rẫy, là xã tiêu biểu trong phong trào kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) khi 16 năm liền không có người sinh con thứ 3.
Có nhà đẹp… mới sinh con Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết: “Bản Bãi Gạo có 100% đồng bào dân tộc Thái, có 92 hộ, 314 khẩu, nhưng chỉ còn 16 hộ nghèo, là bản có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất xã Châu Khê. Người dân Bãi Gạo chủ yếu làm nông và rất siêng năng. Trong 92 hộ thì đã có tới 85 hộ là gia đình văn hóa. Họ có những quy ước riêng của làng hết sức rõ rệt, đặc biệt người Bãi Gạo tự trọng rất cao nên việc họ chấp hành quy ước là hoàn toàn tự giác”. Thực tế, khai sinh ra một bản làng trù phú, phát triển như Bãi Gạo hiện nay lại cũng bởi chính sự nghèo đói. Bà Lộc Thị Hoàng - trưởng bản Bãi Gạo, người có nhiều đóng góp trong công tác vận động KHHGĐ của bản thật thà chia sẻ: “Trước năm 1998, cả bản Bãi Gạo có tới 50% số hộ nghèo, 4 hộ đói. Đất chủ yếu là đất bằng, đất rễ, không có ruộng. Đói quá, những người đứng đầu bản bàn bạc với nhau phải làm gì đó để thoát nghèo. Để khắc phục khó khăn, bà con Bãi Gạo đã biết tận dụng đất đai, xoay mùa, tăng vụ khai thác triệt để quỹ đất. Lúc đó, mọi người nhận ra không nên sinh nhiều con để có cái ăn mà trữ, để nuôi con cho tốt, vậy nên cả bản mới ra quy ước các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3”. Sau khi ra quy ước, bản Bãi Gạo thành lập tổ “không sinh con thứ 3” với sự tham gia của 7 cặp vợ chồng do bà Hoàng làm tổ trưởng. Năm 2005, bà Hoàng lên làm Chi hội trưởng Hội phụ nữ bản Bãi Gạo, duy trì và phát triển tổ chức, đến nay đã có 49 cặp vợ chồng tham gia, được chia làm 3 tổ nhỏ. Từ năm 1998 đến nay, bản Bãi Gạo không có cặp vợ chồng nào sinh con thứ 3. “Có người 10 – 15 năm không sinh con thứ 2 mà tập trung lo phát triển kinh tế. Nhà nào cũng đi làm tối mịt mới về, không hề có thời gian nhàn rỗi”, bà Hoàng nói.

Ngôi nhà của chị Lô Thị Quý khá đầy đủ tiện nghi.
Việc một bản làng vùng cao thực hiện thành công KHHGĐ đã là một điều đáng ngạc nhiên, nhưng ngạc nhiên hơn hết vẫn là ý thức và sự tiến bộ trong tư tưởng của đồng bào miền núi. Những cặp vợ chồng có 2 con cả trai lẫn gái, họ không sinh con thứ 3 đã đành nhưng có rất nhiều cặp vợ chồng trong bản có con một bề vẫn không sinh con thứ 3. Họ không quan trọng việc “không có người nối dõi” như quan niệm cũ của nhiều vùng miền khác. Cứ sinh đến đứa thứ 2, họ tự giác “dừng lại” để không vi phạm quy ước của bản. Hiện bản Bãi Gạo có 17 cặp vợ chồng sinh con một bề, trong đó có 8 cặp sinh con gái. Trưởng bản Bãi Gạo cho biết: “Từ bấy đến nay, không có trường hợp vợ chồng nào đến “xin” ngoại lệ cho sinh thêm con, ai cũng muốn làm được nhà đẹp, kinh tế ổn định rồi mới sinh con”. Bản Bãi Gạo có lẽ là bản làng hiếm hoi trong số những địa phương thực hiện tốt công tác KHHGĐ, xây dựng kinh tế.
Để người dân tự giác thực hiện tốt quy ước của bản, người tuyên truyền phải làm gương cho họ noi theo. Thực tế, vợ chồng bà Hoàng cũng sinh được hai người con gái, đứa lớn 24 tuổi đã đi lấy chồng, đứa út 19 tuổi đang đi học và bà Hoàng cũng kiên quyết không sinh con thứ 3. Không “2 con + học hành”... sẽ cắt “gia đình văn hóa” Những người đứng đầu bản đưa việc “sinh con thứ 3” làm tiêu chí xét gia đình văn hóa. Với những người là cán bộ trong bản, nếu vi phạm sẽ bị cắt danh hiệu thi đua cho dù ở các lĩnh vực khác họ đã hoàn thành xuất sắc. Hàng ngày, tổ công tác “không sinh con thứ 3” đi đến từng nhà để vận động các ông bố, bà mẹ, hướng dẫn họ cách dạy dỗ và chăm sóc con cái.

Chị Quý rất vui và tự hào khi nhắc đến hai cô con gái của mình.
Có những cụ già muốn con mình sinh thêm cháu trai, cũng không thích cái quy ước mà cả bản đã đặt ra do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, nhưng nhờ quá trình tuyên truyền “mưa dầm thấm đất”, dần dần các cụ hiểu chuyện và thương con dâu hơn. Buổi trưa, họ cõng cháu đi chơi cho bố mẹ cháu ngủ trưa, chiều lấy sức đi làm. Nhiều cụ còn ước “được trẻ lại để đi làm dâu”. Cách sống của người dân Bãi Gạo khiến người ta có cảm giác vừa hiện đại, vừa văn minh. Nó khiến cho không khí bản Bãi Gạo vô cùng bình yên và no đủ. Trong 92 hộ của bản, chỉ có 7 hộ không đạt gia đình văn hóa do vợ chồng to tiếng với nhau làm ảnh hưởng đến hàng xóm và thực hiện các khoản đóng góp chậm trễ.
Người dân bản Bãi Gạo rất chú trọng việc học của con cái. Nhà nào cũng cố gắng cho con đi học. Đứa học ít thì cũng phải hết cấp 2 mới nghỉ, do lực học không tốt. Còn đa số con em đều được học hết cấp 3 và thi đại học. Cả bản có 6 em đang học đại học, 2 em học cao đẳng và một số em tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng đang đi làm ở thành phố. Chúng tôi tìm đến nhà một số cặp vợ chồng sinh con một bề khi trời đã nhá nhem tối, mưa và rất lạnh. Nhưng rất nhiều nhà còn chưa sáng đèn. Họ đi trồng cây sắn, cây mía ngoài ruộng vẫn chưa về nên chúng tôi đành phải đợi, thấy nhà nào sáng đèn thì vào. Sắn và mía là hai cây kinh tế chủ lực của Bãi Gạo. Ngôi nhà sàn đầu tiên sáng đèn. Chị Lô Thị Quý (41 tuổi) và anh Kha Văn Tính (50 tuổi) vừa từ ruộng sắn trở về. Ngôi nhà sàn khang trang được cách điệu với một không gian khá thoáng. Trong nhà đầy đủ các tiện nghi của một gia đình hiện đại. Vợ chồng anh Tính, chị Quý sinh được hai cô con gái xinh xẻo. Đứa lớn 22 tuổi, đứa nhỏ 19 tuổi. Chị Quý nói: “Sinh thêm không được con trai mà ra con gái thì tôi lại vi phạm quy ước mà không được gì. Thôi thì sinh 2 đứa thôi để nuôi cho tốt. Chồng tôi cũng không quan trọng chuyện con trai con gái. Hai cô con gái học hết lớp 12 đang đi làm ở Bắc Ninh, giờ nhà chỉ còn hai vợ chồng thôi”. Vợ chồng chị Vi Thị Dung (48 tuổi) và anh Lô Thanh Bình (57 tuổi) sinh được hai người con, một trai, một gái. Con trai đầu 21 tuổi học hết lớp 12 rồi đi xuất khẩu lao động ở Malaisia, còn cô con gái út 13 tuổi đang học lớp 7. Chị Dung nói: “Ngày xưa mình ham học nhưng nhà không có tiền nên phải chấp nhận. Giờ thì cố gắng cho con đi học. Không sinh thêm con vì quy ước bản đề ra rồi, mình phải nghiêm túc thực hiện”. Chị Dung khoe, con gái út thông minh lắm, tiếp thu bài nhanh. Nó toàn tự học và hay được cô giáo khen”. Ngoài vợ chồng chị Quý - anh Tính, vợ chồng chị Dung - anh Bình còn rất nhiều cặp vợ chồng không sinh con thứ 3 dù còn rất trẻ như anh Hà Văn Thái và chị Lô Thị Xo (hai vợ chồng mới chỉ 27 tuổi), vợ chồng anh Vi Văn Dần và chị Lộc Thị Ba (28 tuổi) hay vợ chồng anh Lộc Văn Mùi, chị Lô Thị Tiến… Một điều đặc biệt khiến tôi chú ý ở những người phụ nữ bản Bãi Gạo là ai nấy đều có một nụ cười rất tươi. Họ sống lạc quan, vui vẻ, nói chuyện cởi mở thân tình và suy nghĩ rất tiến bộ. Ai cũng siêng năng làm lụng từ sáng đến tối mịt mới trở về và chỉ có một mong muốn là con cái được đi học. Từ năm 1998 đến năm 2000, trong bản chỉ có 1 - 2 đứa trẻ được sinh ra. Mấy năm gần đây, trong bản không hề có lấy một đám cưới. Thanh niên bản Bãi Gạo chú tâm học hành, học xong rồi lo đi làm nên con gái lấy chồng khá muộn, hoàn toàn không có chuyện tảo hôn như những vùng miền núi khác. Kinh tế phát triển, nhà này nhìn vào nhà kia để noi gương nhau lao động sản xuất, cuộc sống ấm no, tình làng nghĩa xóm bền chặt. Năm 2000, Bãi Gạo được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phong tặng danh hiệu Làng Văn hóa, từ đó đến nay, danh hiệu này luôn được giữ vững.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét