Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

[Giáo dục -CATPHCM] - Hiểm họa từ những bờ kè

(CATP) Nhiều khu vực dọc các bờ sông ở TPHCM như sông Sài Gòn, kênh Tàu Hủ… được xây dựng bờ kè bê-tông chắc chắn, sạch đẹp đã trở thành địa điểm lý tưởng để người dân ra hóng mát, câu cá... Tuy nhiên, một số trẻ em thường xuyên tắm sông, trèo lên lan can bờ kè đùa giỡn dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc.



Bất chấp nguy hiểm

Cách đây vài năm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn nổi tiếng với cái tên dòng kênh “chết” bởi lòng sông đầy bùn đen, chất thải hôi thối, trên mặt nước rác trôi lềnh bềnh. Nhưng gần một năm trở lại đây, sự sống đã quay trở lại với dòng kênh này nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường xanh sạch đẹp của thành phố. Thế nhưng, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sống lại đã kéo theo tình trạng trẻ em thường xuyên tắm, nhảy kênh, người dân đánh bắt cá trái phép dù đã có biển báo cấm.

Cầu Thị Nghè nối giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), cứ khoảng 17 giờ lại xuất hiện nhiều nhóm học sinh trong đồng phục của một trường THCS đến tắm, dù bờ kè ở khu vực này đã được lắp đặt rào chắn khá cao. Các em nam thi nhau trèo qua rào chắn rồi lao mình xuống dòng nước lạnh ngắt dưới sự cổ vũ của một số nữ sinh. Không chỉ thế, có em còn lên cả thành cầu, thi nhau nhảy xuống kênh rồi bơi đua vào bờ. Đâu đó trong nhóm học sinh lại vang lên những lời thách thức: “Mày nhảy đi rồi tao bơi qua bờ bên kia cho xem”. Một số học sinh khác không biết bơi nhưng vẫn liều lĩnh gieo mình xuống dòng kênh. Không chỉ hai bên chân cầu Thị Nghè, dọc bờ kênh ở khu vực này cũng thường xuyên xuất hiện nhiều trẻ em tắm, nhảy kênh.



Nhiều phụ huynh vô tư cho con trẻ vui đùa trên lan can bờ kè

Khu vực bờ kè sông Sài Gòn ở cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) cũng là một điểm hóng mát lý tưởng cho nhiều người. Đây là vị trí thuận lợi để hóng gió và ngắm hoàng hôn nên thu hút khá đông người vào mỗi buổi chiều. Mực nước ở đây khá sâu, dòng nước chảy xiết nên để đảm bảo an toàn, bờ kè đã được xây dựng lan can bê-tông vững chắc, cao khoảng 1 mét. Thế nhưng, bất chấp nguy hiểm, nhiều người vẫn trèo lên lan can để ngồi chơi, ăn uống. Khu vực này có Trường tiểu học Thanh Đa và Trường THCS Thanh Đa nên sau khi ra về, học sinh hai trường này thường xuyên rủ nhau ra đây chơi, một số còn trèo lên lan can bờ kè đùa giỡn. Đáng chú ý, một số phụ huynh đưa con em mình ra đây chơi, nhưng lại để các em ngồi một mình trên lan can để đi mua thức ăn, nước uống. Việc làm này là vô cùng nguy hiểm, rất dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Trên dòng kênh Tàu Hủ (quận 4, quận 8...), cảnh tượng nhiều trẻ em độ tuổi tiểu học lao mình xuống kênh là không hiếm. Tại cầu Đồng Tròn (bắc qua một nhánh sông Đồng Nai, thuộc phường Long Bình, quận 9), hầu như chiều nào cũng có nhiều học sinh tiểu học ghé lại đùa giỡn trên cầu sau khi tan trường, một số thì xuống cả mép sông nghịch nước. Khu vực hồ Đá (Làng ĐH Thủ Đức) cũng thường xuyên chứng kiến cảnh các em học sinh mặt còn non choẹt phi thân từ độ cao cả chục mét trên vách đá xuống hồ nước bất chấp hậu quả.
Ý thức còn kém

Hàng loạt các vụ đuối nước thương tâm, để lại những hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra trong địa bàn TPHCM thời gian gần đây. Chính vì thế, các cơ quan chức năng, chủ đầu tư các công trình đã tiến hành xây dựng, lắp đặt thêm lan can, rào chắn, đồng thời đặt những biển cảnh báo nguy hiểm dọc các bờ kè, đặc biệt ở những nơi tiếp giáp với khu dân cư. Thế nhưng việc làm này vẫn chưa thật sự đồng bộ. Nhiều nơi vẫn chưa có rào chắn hoặc rào chắn quá thấp, hoặc không có biển cảnh báo nguy hiểm.



Học sinh tắm kênh Nhiêu Lộc dưới chân cầu Thị Nghè

Mặc dù vậy, lỗi không hoàn toàn nằm ở các cơ quan chức năng mà vấn đề chủ yếu vẫn nằm ở ý thức của người dân. Dẫu biết nguy hiểm, tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào nhưng nhiều người vẫn phớt lờ. Chị H.T (ngụ quận Bình Thạnh) ngồi hóng gió cùng con gái 4 tuổi ở bờ kè cư xá Thanh Đa cho biết: “Chiều chiều ra đây ngồi cho mát, mình cẩn thận một chút thì đâu có sao”.

“Tôi nghĩ tất cả là do ý thức chúng ta thôi. Các vụ tai nạn sông nước chắc hẳn ai cũng biết nguyên nhân, nhiều người liều lĩnh, đã không biết bơi còn tắm sông, trèo lan can để bị té xuống nước. Còn nhiều người lớn, thấy tụi con nít tắm sông vậy mà làm lơ, mặc kệ tụi nó, không ai nhắc nhở hay răn đe”, ông M.H (ngụ quận 1) bức xúc.

Quy định về việc cấm tuyệt đối tình trạng tắm, nhảy cầu trên kênh rạch đã được thông báo từ lâu, thế nhưng tình trạng trên vẫn cứ tiếp tục diễn ra và tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét