Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

[Giáo dục -Lao Động] - Sức hấp dẫn lịch sử còn có giọt nước mắt

Không một học sinh nào của Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đăng ký thi môn lịch sử trong số các môn tự chọn thi tốt nghiệp. PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng nhà trường - đã cho biết như vậy.


Ảnh minh họa: Thanhnien

Có thể sẽ còn nhiều trường khác không có học sinh đăng ký thi môn lịch sử; hoặc, rất ít học sinh lực chọn môn học này trong các môn tự chọn. Nhiều người dự đoán như vậy.

Không biết đây là nỗi đau của lịch sử hay nỗi đau của thời hiện đại.

Tháng tư năm trước, một đoạn video được tung lên mạng với hình ảnh hàng trăm học sinh của một trường THPT tại TPHCM xé đề cương môn lịch sử và hò reo sung sướng khi được thông báo không thi tốt nghiệp môn học này.

Những người thầy dạy môn lịch sử đắng lòng, rơi nước mắt. Không! Còn quá nhiều người rơi nước mắt trước sự đối xử này.

Không biết có nên trách các em hay không, nhưng dù trách mắng hay ủi an, sự thật vẫn như thế, môn lịch sử bị chán ghét đến mức không ai thèm học. Điểm 0 môn lịch sử trở thành chuyện bình thường ở các kỳ thi hằng năm. Xé đề cương môn lịch sử tung trắng sân trường và hò reo vui sướng cũng không có gì lạ. Môn lịch sử bị phụ rẫy quá nhiều nên cũng không còn cảm xúc. Cho nên, thông tin mà PGS đưa lên trên Facebook của ông tuy có hơi sốc, nhưng rồi vẫn sẽ bình thường vì môn lịch sử là như thế.

Điều quan trọng là giải mã vì sao học sinh ghét và chán môn lịch sử. Cũng nên nhớ rằng, lịch sử là môn học rất hấp dẫn. Bằng chứng là những phim, truyện sử Tàu được nhiều người thích đọc, thích xem và thuộc nằm lòng.

Nói thẳng cho nó nhanh, những người soạn sách giáo khoa môn lịch sử không thể không chịu trách nhiệm về hậu quả này. Các vị soạn sách kiểu gì mà học sinh ghét lịch sử, chán lịch sử. Thầy không muốn dạy, trò không muốn học. Các vị là giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học với đủ thứ bổng lộc được nhận khi tham gia biên soạn sách giáo khoa, mà hậu quả là chính môn học này bị tẩy chay một cách không thương tiếc.

Một bạn có nick “hsinhc3” comment trên Lao Động điện tử lúc 10h 1 phút ngày 1.3 về vấn đề này như sau:

“Một nguyên nhân quan trọng khác là sách lịch sử của ta hiện nay mang nặng tư duy một chiều không khách quan. Mối quan hệ trong sách sử chủ yếu là quan hệ địch-ta. Địch thì phi nghĩa, tàn bạo, luôn luôn thất bại; ta thì chính nghĩa, nhân đạo, luôn luôn chiến thắng. Cũng chính vì vậy mà chúng ta không thể có các tác phẩm văn học viết về lịch sử hay và dễ nhớ được. Và điều quan trọng là các thế hệ đọc sách lịch sử hiện nay không biết hết các sự kiện khách quan về lịch sử nước nhà”.

Bình luận trên rất đáng để cho các nhà biên soạn sách giáo khoa môn lịch sử suy nghĩ.

Nhưng có một điều nữa vô cùng quan trọng, đó là lịch sử cần sự trung thực. Chặng đường nào cũng có vinh quang và cay đắng, có đúng đắn và sai lầm, có thành công và thất bại. Sức hấp dẫn của lịch sử không chỉ là nụ cười chiến thắng mà còn có giọt nước mắt của thất trận.

Chỉ có sự trung thực với lịch sử thì mới tạo ra cảm xúc, sức thu hút và tình cảm trung thực đối với người tiếp nhận.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét