Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

[Xã hội-Lao Động] - Thủ tướng: Không đăng cai ASIAD 18 nếu không có kế hoạch khả thi

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 1.4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh trong tuần tới phải báo cáo phương án kế hoạch cụ thể về tổ chức Đại hội Thể thao Châu Á 2019 (ASIAD 18). “Không đăng cai ASIAD 18, nếu không có kế hoạch khả thi” - Thủ tướng nhấn mạnh.


Quán càphê bên trong sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Ảnh: Giang Huy

“Nếu không đủ thông tin, sẽ nói Chính phủ sao làm hời hợt thế"

Người đứng đầu chính phủ yêu cầu: Lần sau phải làm chặt chẽ. "Nếu không, bà con không đủ thông tin, sẽ nói Chính phủ sao lại làm hời hợt thế, trong lúc thực ra chúng ta không hề hời hợt. Chủ trương họ muốn VN đăng cai ASIAD 18, thì ta đồng ý. Nhưng phải có phương án, kế hoạch khả thi thì Thủ tướng mới đồng ý cho làm. Còn không, thì VN không làm” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong tuần tới phải báo cáo lại về kế hoạch cho ASIAD 18, để có thể thực hiện quy trình cho chặt chẽ.

Tại phiên họp báo chính phủ thường kỳ chiều 1.4, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định ASIAD 18 là sự kiện thể thao lớn ở Châu Á. Các nước được đăng cai có nhiều lý do. Ngoài vấn đề thể thao, còn là nhu cầu tạo sự kiện để nâng cao hình ảnh của đất nước nhằm thu hút du lịch, đầu tư, xây dựng để tạo điểm nhấn. VN đã từng tổ chức sự kiện lớn, nhưng chưa từng có quy mô như ASIAD 18.

Sau khi VN được chấp nhận đăng cai ASIAD 18, Hà Nội và các tỉnh lân cận đã được yêu cầu phải tính toán, đối chiếu để xem khả năng có làm được không. Bộ trưởng Nên cho hay thường trực chính phủ, Phó Thủ tướng chính phủ được giao nhiệm vụ lắng nghe kỹ ý kiến, rồi mới báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xem có nên đăng cai chính thức hay không.

“Điều quan trọng của sự kiện này là chính phủ đã lắng nghe nhiều ý kiến phản ánh từ nhân dân, từ các chuyên gia có tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước. Có thể tin tưởng rằng, từ những thông tin và luận cứ này, Thủ tướng sẽ ra quyết định đúng đắn” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.


Cung thể thao điền kinh Mỹ Đình (Hà Nội). Ảnh: Giang Huy

Việt Nam “chưa có khoản đặt cọc nào”

Trước câu hỏi về việc có hay không khoản đặt cọc của VN để được đăng cai, Bộ trưởng Nên khẳng định “đến giờ này, VN chưa đặt cọc đồng nào”. Ông cũng cho rằng, trong trường hợp VN buộc phải trả lại quyền đăng cai ASIAD 18, đây sẽ “không phải vấn đề lớn”. Lý do, theo Bộ trưởng Nên, vì tiền lệ đã có 2 quốc gia đã từng trả lại việc đăng cai vào năm 1970 và 1988 do thực tiễn khách quan không cho phép.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nên cho biết thêm “việc trả lại tất nhiên có điều kiện, song ta có lý lẽ, để nếu thấy không đủ tiền bạc, điều kiện thì cũng có thể trả lại”. Bộ trưởng Nên thừa nhận ông chưa nghiên cứu kỹ, song dường như “chưa có chế tài liên quan đến việc bị xử phạt” nếu trả lại quyền đăng cai.

Một phóng viên dẫn ý kiến chuyên gia nói rằng 80% số cơ sở vật chất như Bộ VHTTDL tính toán bị cho là “tính cua trong lỗ”, vì rất nhiều cơ sở xây dựng cho SEA Games 22 đã từ rất lâu. Hơn nữa, thiết bị thi đấu của SEA Games 22 sẽ không phù hợp với ASIAD 18, vốn được xem là thi đấu đỉnh cao, gần tương đương Olympic. Vì vậy, tổng đầu tư cho ASIAD 18 sẽ không nằm ở con số như dự báo của Bộ VHTTDL.

Phóng viên đặt câu hỏi: “Nếu con số này không đúng như Bộ VHTTDL, liệu Chính phủ có quyết dừng hay không?”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: “Chính phủ chưa quyết, nên không thể nói dừng đăng cai ASIAD hay không”. Ông cũng bày tỏ sự thông cảm với ngành TDTT khi đang cố hết sức để bảo vệ cho bằng được quyền đăng cai ASIAD. “Vì nếu để vuột mất, họ sẽ không còn cơ hội tốt đến thế” - ông nói.

Bộ trưởng Nên cho biết, trong lý lẽ được Bộ VHTTDL đưa ra thì những cơ sở từ các kỳ thể thao trước đó nếu không được sử dụng để tổ chức ASIAD 18, thì VN vẫn phải bỏ một số lượng kinh phí nhất định để bảo trì, bảo quản các cơ sở này. Ông cho rằng, điều này cũng rất thuyết phục. Bên cạnh đó, những điều kiện, yêu cầu mà ASIAD đưa ra thì “cũng có thể tính được, đong được cái giá của nó”.

Trước đó, ngày 29.3, Bộ VHTTDL và Ủy ban Olympic VN cũng đã có phiên giải trình lần 2 trước Chính phủ về kinh phí tổ chức ASIAD và những vấn đề liên quan. Tại phiên giải trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo rà soát những địa điểm tổ chức, tính toán, xác định phương án trên cơ sở tiết kiệm nhất, đồng thời yêu cầu sử dụng tối đa công trình hiện có, cần thiết thì sửa chữa, cải tạo nâng cấp, chứ không xây mới. Công trình nào VN chưa có thì mới cần xây dựng. Ngoài ra, VN cần tranh thủ nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài nước.

Kết thúc phiên họp, Chính phủ chưa thông qua quyết định tổ chức ASIAD 18 bởi còn lo ngại nhiều vấn đề, nổi bật trong đó là kinh phí tổ chức. Chính phủ yêu cầu Bộ VHTTDL gặp gỡ các quan chức cao cấp của Ủy ban Olympic châu Á để đề nghị hỗ trợ VN một cách tiết kiệm nhất. Một trong số đó là việc không xây làng vận động viên mà sử dụng khách sạn sẵn có.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét